Nhận định thị trường chứng khoán ngày 16/06/2022

VN-Index: Các phiên tăng giảm mạnh xuất hiện xen kẽ nhau liên tục cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang khá bất ổn. Điểm tích cực là vùng 1,150-1,200 điểm (tương đương đáy cũ tháng 05/2022) tiếp tục trụ vững nên hi vọng về một đợt hồi phục trong ngắn hạn vẫn còn.

Phân tích thị trường VN-Index ngày 16/06/2022

Thị trường có phiên giảm điểm trở lại khá tiêu cực. Sắc đỏ nhanh chóng áp đảo thị trường trong phiên sáng với đà lao dốc mạnh của nhiều nhóm ngành. Trong đó, áp lực chính đến từ các cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, thép, chứng khoán. Nhóm dầu khí sau phiên khởi sắc hôm qua cũng đã đảo chiều giảm khi nhà đầu tư phản ứng với tin điều chỉnh của giá dầu thế giới. Độ rộng thị trường cho thấy sự lấn át hoàn toàn của số mã giảm giá.

Bước vào phiên chiều, đà giảm của VN-Index càng được nới rộng khi nhiều cổ phiếu rơi vào tình trạng trắng bên mua. Tuy nhiên, ngay khi thủng mức 1,200 điểm, lực cầu bắt đáy đã được kích hoạt giúp VN-Index thu hẹp đà giảm trong những phút cuối phiên. Trong đó, lực đỡ chính đến từ một số trụ cột như MWG, FPT, PNJ.

Bài viết liên quan

Quan điểm kỹ thuật về VN Index

Theo quan điểm kỹ thuật, VN Index có phiên giảm điểm trở lại. Khối lượng giao dịch gia tăng vượt mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý áp lực bán đang mạnh lên. Không những vậy, chỉ số duy trì đóng cửa dưới MA5, cùng với đường MA5 tạo trạng thái phân kỳ âm so với MA20, cho thấy xu hướng giảm đang tiếp diễn.

Chỉ báo MACD cho tín hiệu xấu

Thêm vào đó, đường MACD cắt xuống Signal cho tín hiệu bán và đường RSI hướng xuống vùng 33, cho thấy áp lực điều chỉnh đang mạnh lên, chỉ số có thể khó giữ được trên vùng hỗ trợ tâm lý 1,200 điểm và đối mặt với rủi ro giảm về vùng hỗ trợ 1,150 điểm (đáy cũ tháng 5).

Nhận định về sàn Hà Nội: HNX

Đối với sàn Hà Nội, HNX Index có diễn biến tương tự. Chỉ số cũng có phiên giảm trở lại và duy trì đóng cửa dưới MA20, cho thấy xu hướng giảm đang tiếp diễn. Chỉ số có thể chịu sức ép về lại vùng hỗ trợ tâm lý 250 điểm. Nhìn chung, thị trường đang trong xu hướng giảm. Do đáy cũ tháng 05/2022 (tương đương vùng 295-300 điểm) đã bị phá vỡ hoàn toàn nên ngưỡng này chuyển từ hỗ trợ thành kháng cự.

Tin kinh tế trong nước

Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 8,15%, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Sáng nay (15/6/2022), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022. Ngay đầu năm 2022, NHNN đã có chỉ đạo, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Kết quả, đến ngày 9/6/2022, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2022, phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế.

Trước đó, tính đến ngày 27/5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 7,75% so với cuối năm 2021. Về dư nợ cơ cấu, đến cuối tháng 4/2022, luỹ kế giá trị nợ đã cơ cấu từ khi ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN là hơn 695 nghìn tỷ đồng cho trên 1,1 triệu
khách hàng.

Nhập khẩu phân bón của Việt Nam giảm trong tháng 5

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5, Việt Nam nhập khẩu 307.712 tấn phân bón, tương đương 150,8 triệu USD, giảm 5,2% về lượng và giảm 3% về kim ngạch so với tháng 4. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng giảm 43,4%, kim ngạch giảm 5,8%.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, lượng phân bón nhập khẩu của cả nước là 1,6 triệu tấn, giá trị hơn 737 triệu USD, giảm 17,4% về khối lượng, nhưng tăng 42% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 45,3% trong tổng lượng và chiếm 38,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.

Nhập khẩu vẫn tăng

Tổng cục Hải quan vừa cập nhật số liệu tình hình xuất nhập khẩu tháng 5/2022 so với ước tính trước đó của Tổng cục Thống kê – GSO. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 5 vừa qua vẫn tăng trưởng nhẹ thay vì ước tính giảm; kim ngạch xuất khẩu vẫn giảm nhưng mức độ giảm nhẹ hơn. Trong tháng 5, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 63,53 tỷ USD, giảm 3,4%
so với tháng 4/2022. Luỹ kế đến hết tháng 5, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 306,14 tỷ USD, tăng 16% (tương ứng tăng 42,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu giảm so với ước tính

Luỹ kế đến hết ngày 31/5, Việt Nam xuất siêu 430 triệu USD thấp hơn con số ước tính 516 triệu USD mà GSO đưa ra trước đó.
Về xuất khẩu, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 5/2022 đạt 30,92 tỷ USD, giảm 7,2% so với tháng 4/2022 (trước đó GSO ước tính giảm 8,5%). Luỹ kế đến hết tháng 5, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 153,29 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Trị giá xuất khẩu tháng 5/2022 đạt mức cao nhất ở mặt hàng: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 4,85 tỷ USD.

Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 5/2022 đạt 32,62 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng trước đó (trước đó GSO ước tính giảm 0,8%). Luỹ kế đến hết ngày 31/5, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đạt 152,86 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Trị giá nhập khẩu tháng 5 đạt mức cao nhất ở mặt hàng: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 6,94 tỷ USD.

Bài viết chọn lọc

One thought on “Nhận định thị trường chứng khoán ngày 16/06/2022

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You cannot copy content of this page